"HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN ÂM VANG TRƯỜNG SƠN" – SÁNG MÃI NIỀM TIN VÀ KHÁT VỌNG

 24/07/2023  523

Hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Được sự đồng ý của Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Chi bộ Khoa Kế toán tổ chức sinh hoạt chuyên đề với chủ đề "Hành trình về nguồn 2023 - Âm vang Trường Sơn" do đồng chí Đỗ Thị Thúy Phương - Bí thư Chi bộ làm trưởng đoàn cùng gần 40 Đảng viên của Khoa Kế toán tham gia. Chương trình sinh hoạt chuyên đề nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên của chi bộ từ đó khơi gợi lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm và tạo động lực cho các đồng chí Đảng viên khoa Kế toán có những cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, định hướng tư tưởng, ý chí phấn đấu của các thế hệ sinh viên.

Ngày 11/7/2023, Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Vũng Chùa, Đảo Yến nơi an nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Huyện Quảng Trạch – Tỉnh Quảng Bình.

Vũng Chùa - Đảo Yên nơi an nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Để đến được Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đoàn phải đi qua 103 bậc thang tượng trưng cho tuổi thọ của Đại tướng được xây nên từ đá hoa cương. Vị trí mũi Rồng, Vũng Chùa cũng phần nào thể hiện được sự ưu việt cũng như tầm nhìn chính trị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây chính là mảnh đất “Thái cực biên huân”, một thế đất tuyệt vời. Từ lâu, nhiều tác giả Việt Nam đã cho rằng huyệt quân sự của nước ta nằm ở khu vực Đèo Ngang (Vũng Áng - Hòn La). Chính vì thế, nếu có chiến tranh xảy ra thì nơi đây sẽ trở thành vị trí bị tấn công đầu tiên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả một đời vì nước vì dân sẽ luôn là một thiên tướng bảo vệ đất nước trước mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bao bọc lấy người dân đất Việt. Lăng Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt ở đây cũng nhằm ngầm chỉ cho con cháu và các thế hệ về sau canh giữ vùng đất quan trọng này.

Đoàn dâng hương tại nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cũng trong hành trình ngày 11/7, Đoàn được đến thăm Tượng Đài Mẹ Suốt, nằm bên dòng Sông Nhât Lệ, thuộc Thành phố Đồng Hới – Tỉnh Quảng Bình. 

"Mẹ Suốt" từ lâu đã trở thành tên gọi thân thương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt. Mẹ Suốt sinh năm 1906 và là người con của đất Quảng Bình. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mẹ chính là người không ngại gian khó, bom đạn mà xung phong cầm chắc mái chèo chở biết bao bộ đội, chiến sĩ sang sông để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, giành lại độc lập dân tộc.

Không những thế, những chuyến đò của mẹ Suốt còn chính là những chuyến vận chuyển lương thực, vũ khí từ bờ ra tàu chiến của ta nhằm chi viện thêm cho chiến trường khốc liệt. Dưới làn mưa bom đạn nguy hiểm, mẹ Suốt vẫn hiên ngang, bất khuất, ngẩng cao đầu mà chưa từng khuất phục. Vào năm 1967, mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ vào năm 1968, mẹ Suốt đã dũng cảm hi sinh. Nơi mẹ chèo đò năm xưa giờ đây đã được dựng lên Tượng đài mẹ Suốt Quảng Bình và trở thành một di tích lịch sử tiêu biểu ở Đồng Hới trong thời kỳ chống Mỹ.

Tượng Đài Mẹ Suốt, nằm bên dòng Sông Nhât Lệ, thuộc Thành phố Đồng Hới – Tỉnh Quảng Bình.

 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài mẹ Suốt

Ngày 12-13/7/2023 tiếp nối hành trình về với những địa chỉ đỏ trong chuyến đi, địa điểm tiếp theo Đoàn đặt chân đến chính là Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Quốc lộ 15, thuộc địa phần xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Bình.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ;  Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Đoàn đến thăm Nghĩa liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Đoàn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

 

Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sỹ Tỉnh Thái Nguyên tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn 

Chuyến xe hành trình tiếp tục đưa đoàn đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, P.4, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6km về phía Tây.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có 3.227 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.

 

Đoàn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9

Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến hành trình, Đoàn đến thăm Thành cổ Quảng Trị thuộc trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972 Thành cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.

Tại đây đoàn được lắng nghe và không khỏi xúc động khi lắng nghe bức thư của người anh hùng trẻ tuổi, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, tham gia chiến đấu khi còn là sinh viên năm thứ 4 khoa Cầu Đường, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Bức thư anh viết bằng linh cảm của mình trước khi hi sinh gửi đến người mẹ, người vợ trẻ khi mới kết hôn được 6 ngày thì anh lên đường tham gia chiến đấu.

Nhừng lời căn dặn xúc động, nghẹn ngào nhưng đầy tự hào của anh Lê Văn Huỳnh trước khi nằm xuống với đất mẹ Quảng Trị

Đoàn xúc động và tự hào khi nghe giới thiệu về khu di tích lịch sử Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc Gia đường 9, câu chuyện oai hùng cùng khúc tráng ca bất diệt của lớp lớp người Việt Nam

Những nén tâm hương được dâng lên ngôi mộ chung của các chiến sĩ tại thành cổ,  những câu chuyện về huyền thoại 81 ngày đêm thành cổ, 15 năm binh đoàn 559 xuyên rừng được nhắc lại, khắc ghi... vẫn không thể hiện hết được nỗi xúc động của các thành viên trong đoàn khi được tận mắt nhìn thấy thảm cỏ non thành cổ, nơi “một mét đất là một mét máu”.

Đoàn dâng hương tại Đài tường niệm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9

Chia tay Quảng Trị, điểm đến cuối cùng trong hành trình của đoàn là Đại Nội Huế, Chùa Thiên Mụ nằm bên bờ Sông Hương thơ mộng. Đây là nhân chứng sống cho lịch sử dựng nước của cha ông ta, Kinh thành Huế là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

 

Đoàn thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Đại Nội Huế 

https://f9-zpcloud.zdn.vn/1340099505689906700/782640fd8bee58b001ff.jpgÁo dài - Nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam bên Chùa Thiên Mụ

Hành trình Về nguồn - Âm vang Trường Sơn do Chi bộ Khoa Kế toán tổ chức đã khép lại nhưng những dư âm còn lại mãi. Thành kính khi thăm nơi an nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, xúc động nghẹn ngào khi thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa Trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, an yên khi đứng dưới tượng đài mẹ Suốt, hay đứng ở mảnh đất thành cổ Quảng Trị - "túi bom đạn" của đất nước, nhìn những dãy mộ bạt ngàn đồi xanh, thả hồn trong tà áo dài tím Huế mộng mơ... dù ở khoảnh khắc nào, sự xúc động, niềm tự hào dân tộc khó nói thành lời.

Trân trọng quá khứ để thấy yêu hơn cuộc sống này, để mỗi chúng ta nhận ra chúng ta được sống trong hòa bình như hôm nay, lớp lớp thế hệ đi trước đã hi sinh máu xương, hoài bão, ước mơ. Thanh xuân của họ đổi lấy nền độc lập hôm nay. Sứ mệnh của chúng ta là viết tiếp những trang sử hào hùng ấy bằng niềm tin, khát vọng, bằng tri thức và sự sáng tạo, góp phần đưa đất nước ta ngày một phát triển hơn, giàu mạnh hơn.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN