TẦM NHÌN, SỨ MẠNG VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG ĐH KINH TẾ & QTKD

 18/08/2021  361

TẦM NHÌN, SỨ MẠNG VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG ĐH KINH TẾ & QTKD

1. Tầm nhìn
      Tầm nhìn của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh: “Trở thành một trường đại học hàng đầu trong nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý”.
2. Sứ mạng
      Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh xác định sứ mạng của Nhà trường là: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế  trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước”.
3. Triết lý giáo dục
      Triết lý giáo dục của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh được phát biểu:    SÁNG TẠO – THỰC TIỄN – HỘI NHẬP
     * Ý nghĩa của triết lý giáo dục
      Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh hướng đến đào tạo người học phát huy năng lực của bản thân, có tư duy tích cực và sáng tạo, chủ động tiếp cận, nắm bắt các cơ hội trong đời sống xã hội và nghề nghiệp, trở thành người có trách nhiệm, tri thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại và thị trường lao động quốc tế. Các hoạt động đào tạo của Nhà trường được tổ chức theo hướng linh hoạt, sáng tạo, cập nhật thường xuyên, đảm bảo gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp người học dễ dàng thích ứng của với những thay đổi nhanh chóng của môi trường. Nhà trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo dựng quan hệ với các đối tác, tổ chức nghề nghiệp nhằm xây dựng môi trường đào tạo chuyên nghiệp hướng đến sự phát triển cho người học.
     * Nội dung của triết lý giáo dục
      Sáng tạo: Đào tạo hướng tới phát huy tối đa khả năng của người học, chủ động tiếp cận và nắm bắt các cơ hội trong đời sống xã hội, trong nghề nghiệp.
      Thực tiễn: Đào tạo người học có phẩm chất đạo đức, có tri thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu cần thiết phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại, của thị trường lao động và nhu cầu học tập tự thân của mỗi người.
      Hội nhập: Đào tạo giúp người học tích lũy tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, chủ động hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển bền vững.
      4. Giá trị cốt lõi
      Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh xác định các giá trị cốt lõi của tổ chức, bao gồm:   TẬN TÂM – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ
      * Nội dung giá trị cốt lõi được thể hiện:
      -  Tận tâm: Trong trường ĐH Kinh tế & QTKD sự tận tâm được thể hiện dưới nhiều hình thức gồm: thời gian đầu tư cho công việc, chủ động nâng cao năng lực và giúp đỡ không vụ lợi; mỗi người trong Nhà trường đều cố gắng hết sức, làm hết trách nhiệm và  khả năng để đạt được kết quả tốt đẹp.
      - Chất lượng: Chất lượng được trường ĐH Kinh tế & QTKD khẳng định dựa trên các kết quả đạt được về mục tiêu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường có ý nghĩa thiết thực, lâu dài; thể hiện qua hệ thống các giá trị, chuẩn mực, niềm tin cũng như cách thức làm việc đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra đã được định hình trong từng thành viên và ở mỗi tổ chức, đơn vị của Nhà trường.
      - Hiệu quả: Mỗi cá nhân và đơn vị của Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh luôn nỗ lực trong mọi hoạt động để tạo ra giá trị gia tăng, giá trị mới cho tổ chức và người học.
      5. Giá trị văn hóa
Trường ĐH Kinh tế & QTKD và các tổ chức chính trị, đoàn thể đã hành xử và chia sẻ các giá trị văn hóa của tổ chức như sau:

“Mỗi thành viên đều được tôn trọng, cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu chung của tổ chức và phát triển xã hội”
 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN